Dự án máy bay không người lái phát internet, sử dụng năng lượng mặt trời do Facebook khởi động nay đã có chuyến bay thử không ngừng nghỉ dài tới 25 ngày.
Vào cuối tháng 06 vừa qua, Facebook đã công bố dừng nghiên cứu máy bay phát wifi không người lái nhằm cung cấp internet cho toàn nhân loại. Tuy vậy nhưng dự án đã được chuyển sang cho Airbus phát triển, phía Facebook sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng phát internet thay vì nghiên cứu chế tạo máy bay.
Mới đây, Airbus cũng đã công bố kết quả chuyến bay thử nghiệm của mình. Thiết bị bay không người lái do Airbus phát triển đã cất cánh trên bầu trời châu Âu và bay liên tục không ngừng nghỉ trong suốt 25 ngày, 23 giờ, 57 phút.
Máy bay Zephyr S HAPS (Vệ tinh tầm cao) được cất cánh từ Arizona vào ngày 11 tháng 07 và đã hoàn thành chuyến bay dài nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Cơ quan không gian của Airbus đã đưa ra thông báo về chuyến bay này và xác nhận kỷ lục thế giới mà nó đã đạt được.
Máy bay không người lái Zephyr nặng 75 kg với sải cánh dài tới 25 mét đã bay liên tục nhiều ngày trên độ cao 21.000 mét. Dự kiến chiếc máy bay này sẽ đóng vai trò như một vệ tinh tầm thấp, phát tín hiệu internet cho con người và nó có thể hoạt động rất lâu nhờ nguồn năng lượng chủ yếu lấy từ ánh sáng mặt trời.
“Đây là một chuyến bay thử nghiệm rất thành công, đánh dấu mốc lớn trong chương trình Zephyr. Nó đã phá vỡ kỷ lục về chuyến bay dài nhất và cũng vượt cả kỳ vọng ban đầu của chúng tôi.” Jana Rosenmann, trưởng nhóm phát triển sản phẩm tại Airbus cho biết.
“Chúng tôi sẽ dành những ngày tới đây để phân tích số liệu kỹ thuật thu được từ chuyến bay này để chuẩn bị cho một chuyến bay thử nghiệm khác tại Tây Úc.”